Lạc hậu với bậc phổ thông!
Ông Nguyễn Đình Thịnh - Hiệu trưởng Trường THPT Hoàng Hoa Thám (Q.Bình Thạnh), nguyên Trưởng phòng GD quận Thủ Đức khẳng định: "Không có gì mới hết!". Bởi trên thực tế, tất cả các trường từ tiểu học đến THPT tại Hà Nội, TP.HCM và các đô thị lớn trong cả nước đều đã mặc đồng phục từ lâu.
Đã vậy, nội dung của quy định cũng không rõ ràng. Tại khoản 1- điều 2 quy định "đồng phục là trang phục được sử dụng cho toàn bộ HS, SV của một trường mặc khi đến trường", nhưng khoản 3- điều 4 lại quy định "ngoài những ngày quy định mặc đồng phục, các ngày còn lại khi đến trường HS phải mặc gọn gàng, sạch sẽ, đảm bảo tính nghiêm túc". Quy định này khiến nhiều người hiểu: HS vừa phải có đồng phục, vừa phải có thường phục. Trong một tuần sẽ có vài ngày mặc đồng phục và vài ngày mặc thường phục!
Quy định cũng đi vào những vấn đề rất chi tiết như chuyện giày dép, chuyện tiền để may/mua đồng phục, thậm chí là độ dài của chiếc váy nữ sinh "phải trùm quá đầu gối"... Ông Nguyễn Đình Thịnh cho biết: "Chúng tôi quan tâm nhất khi chọn váy cho nữ sinh là màu sắc sạch sẽ và phù hợp lứa tuổi, kiểu dáng thoải mái khi các em học tập, vui chơi". Đó cũng là câu trả lời chung của rất nhiều trường phổ thông. Một hiệu trưởng bức xúc: "Không hiểu tại sao lại quy định máy móc "váy phải trùm quá đầu gối" như thế!".
Dạo qua các trường THPT Hoàng Hoa Thám, Thủ Đức, Trung học Thực hành - ĐH Sư phạm TP.HCM... chúng tôi nhận thấy, váy của đa phần nữ sinh chỉ dài chớm gối nhưng không hề phản cảm! Ông Thịnh cũng cho biết: khi chọn thiết kế và cho HS mặc thử, một số phụ huynh đã phản đối, cho là quá ngắn, không kín đáo, nhưng váy áo là để cho con em mặc chứ không phải cho người lớn chúng ta mặc. Hơn nữa, kết quả thăm dò cho thấy, có hơn 80% nữ sinh đồng tình. Chúng ta không thể áp đặt suy nghĩ của người lớn cho HS!
Bình đẳng hình thức!
Quy định về đồng phục cũng đang thu hút sự chú ý của nhiều trường ĐH, CĐ.
Đồng phục của HS Trường THPT Hoàng Hoa Thám (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) - ảnh: P.Huy
Một trong những mục đích của mặc đồng phục, theo Bộ GD-ĐT, là nhằm "thể hiện sự bình đẳng giữa các HS, SV", nhưng Th.S Duy cho rằng, bình đẳng được thể hiện ở các chế độ chính sách, điều kiện học tập, thái độ ứng xử chứ "chiếc áo không làm nên thầy tu"! Quy định cũng yêu cầu đồng phục phải mang tính văn hóa truyền thống dân tộc. Đây cũng là nhiệm vụ bất khả thi, bởi để tôn vinh truyền thống dân tộc, một thời các trường đã bắt buộc nữ sinh mặc áo dài, nhưng rồi lần lượt đều phải bỏ.
Thực tế cũng cho thấy, những trường TCCN, CĐ, ĐH có tính chất đặc thù và có thể đồng phục được, như các trường công an, quân đội, hải quan, hàng hải... thì đều đã mặc đồng phục. Còn những trường khác, có muốn áp đặt cũng rất khó. Thầy Lê Minh Đức - Trưởng phòng Công tác chính trị - SV trường CĐ Văn hóa Nghệ thuật TP.HCM, cho rằng: trong năm ngành đào tạo của trường, chỉ có SV ngành Du lịch là mặc đồng phục (nữ mặc áo dài, nam sinh mặc sơ mi, quần tây, đeo cà vạt). Sinh viên các ngành Văn hóa, Mỹ thuật, Sân khấu, Âm nhạc thì mặc tự do. Các em đã 18 tuổi hết rồi, phải tôn trọng.
Đang truy cập :
5
•Máy chủ tìm kiếm : 1
•Khách viếng thăm : 4
Hôm nay :
91
Tháng hiện tại
: 4363
Tổng lượt truy cập : 703979